Bánh hỏi miền Tây
Bánh hỏi mặt võng Phong Điền
“Ai về sông Hậu, Sông Tiền, Ghé ăn bánh hỏi Phong Điền Cái Răng…” – Do ở ngay xứ bánh hỏi nên nhà Út Dzách mới phải sáng chế ra cái món bánh hỏi mặt võng để tạo lợi thế cạnh tranh. Đến nay duy nhất mới chỉ thấy một gia đình ở Phong Điền, Cần Thơ làm thứ khác biệt này. Từng sợi bánh hỏi mềm, dai, trong được cuốn thành hình mặt võng bắt mắt, xếp khéo trên chiếc lá chuối xanh tươi, phết thêm chút mỡ hành tạo cảm giác thú vị và hấp dẫn. Bánh hỏi mặt võng khác các loại bánh hỏi thông thường. Thứ nhất là ở hình dạng của bánh được làm khá công phu và mất nhiều thời gian. Thứ hai bánh có vị ngọt, mặn hòa quyện hài hòa từ bí quyết pha bột, nêm gia vị mà không dùng chất phụ gia. Cuối cùng là cái cối ép bằng tay của gia chủ chứ không xài máy. Bánh hỏi có thể ăn với thịt nướng, heo quay, lạp xưởng nhưng theo người dân địa phương kết hợp với thịt kim tiền (thịt nướng) vẫn là ngon nhất.
Bánh hỏi Sóc Trăng
“Ai về thẳng tới Năm Căn; ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu; Mắm nêm, chuối chát, khế, rau; Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên!” – Ở Sóc Trăng ăn bánh hỏi cuộn tôm sang chảnh hơn gỏi cuốn, bì cuốn, vì chẳng cần cái bánh tráng để giữ mấy miếng thịt hay tép lụn vụn rớt ra ngoài. Coi kỹ lại thì đây là kiểu ăn có ý nghĩa phồn thực, gợi cảm khi liên tưởng hình ảnh thân con tôm càng lột vỏ cuộn sợi bánh hỏi nhuyễn quấn quanh, mới hiểu dân Sóc Trăng phải cần tới mùi mắm nêm, chứ nước mắm nhĩ cũng chưa đủ “đô”. Thực khách nào có may mắn được ngắm cách cô gái Sóc Trăng lai ba dòng máu Việt, Hoa, Khmer dùng tay không bốc rau, rồi cạy cạy lột lột con tôm càng, cuộn cuộn chùm sợi bánh hỏi, rồi cầm nguyên cái cuốn tròn tròn chấm vô chén mắm nêm một cái chóc, kéo lên nước nhỏ long tong, lắc một cái cho ráo rồi trao vào tay mình thì khỏi cần bùa yêu cũng “chết” chắc vì sướng!
Linh Trang (sưu tầm)