Đóng

ẨM THỰC MIỀN TÂY

22 Tháng Chín, 2017

Bánh phồng miền Tây

Bánh phồng tôm Sóc Trăng

Ngoài các món ăn đặc sản như bánh pía, mè láo, bánh in… của địa phương, thì Sóc Trăng còn có thêm loại bánh phồng tôm rất ngon. Chọn tôm càng xanh to còn tươi, lột vỏ, bỏ đầu, làm sạch ruột, cho vào cối quết đều tay, từ nhẹ đến mạnh liên tục đến khi thịt tôm mịn đều. Cho gia vị, bột ngọt, đường, muối và một ít bột mì vào rồi tiếp tục quết cho thịt tôm và gia vị hòa quyện vào nhau. Đến khi hỗn hợp này không còn dính chày giã, người thợ đem vò viên bằng trái chanh nhỏ, dùng ống tre già bằng cổ tay, cán đều cho bánh mỏng, cắt tạo hình theo ý thích, đem phơi ngoài nắng như bánh tráng. Phải phơi dưới nắng to, không thì dể đổi màu, không xốp, có mùi khai, chiên lên không giòn, ăn không ngon. Vì vậy, chỉ có thể sản xuất bánh vào mùa khô. Bánh phơi xong, mang lên bếp chiên với dầu nóng già, bánh sẽ nở to ra gấp 3-4 lần nên gọi là bánh phồng. Khi bánh ngả màu vàng, tỏa hương cay nồng là bánh chín. Vớt ra nhanh tay, rồi đem lên miệng cắn miếng ta sẽ cảm nhận được độ giòn, mềm tan, có vị the the nơi đầu lưỡi, vị mằn mặn của tôm và gia vị, thật đậm đà, hấp dẫn. Dĩa bánh phồng tôm không khi nào thiếu trong các buổi tiệc của người miền Tây, vừa là món khai vị, vừa có thể ăn kèm với các món khác.

Bánh phồng tôm Sa Đéc

Hàng mấy chục năm qua, đặc sản nổi tiếng là thương hiệu Sa Giang, ngon bậc nhất. Cũng là bột, thịt tôm xay nhuyễn, một ít hạt tiêu xay nhỏ, thêm vài thành phần nguyên liệu khác, các thành phần nguyên liệu sau khi trộn với nhau, sẽ nhồi vào những chiếc túi có dạng hình ống dài, đem hấp rồi cắt lát mỏng, phơi khô, phân loại đóng gói theo quy trình. Nguyên liệu cũng như các loại bánh phồng tôm khác nhưng phồng tôm Sa Giang của Đồng Tháp vẫn cứ nổi bật, khiến người ta chú ý nếu đã thử qua một lần. Nó không bị cứng, dai mà giòn, xốp. Bánh phồng tôm ăn cùng các món gỏi càng đậm vị. Cắn một miếng, thấy tan trong miệng với hương tôm thơm béo và vị cay cay rất tuyệt vời.

Bánh phồng dãnh Tịnh Biên

Được làm bởi bàn tay khéo léo của người dân Tịnh Biên, An Vào khoảng tháng 10 đến tháng 3 hằng năm, khi ngọn gió chướng thổi về, đàn cá dãnh làm cuộc di cư theo con nước từ Campuchia đổ về (từ mùng 7 đến mùng 10 và từ 20 đến 25 âm lịch). Cá chọn làm bánh là loại mập tròn, còn tươi, lòng trắng trứng vịt, bột mì, gia vị tiêu sọ, tỏi, hành, bột ngọt, nước mắm, muối. Tất cả được hòa chung và xay nhuyễn, gói trong lá chuối như bánh tét, rồi hấp cách thủy, khoảng 2 tiếng, để nguội cắt từng lát mỏng, phơi vài nắng đợi dịp Tết mang ra ăn hay tiếp đãi bạn bè. Khi chiên lên bánh phồng cá dãnh có màu vàng đậm, cắn một miếng bánh giòn rụm vừa xốp vừa béo, vừa mằn mặn, cay cay, thơm mùi vị hải sản, luôn khiến người ăn phải ngạc nhiên.

Bánh phồng cá linh An Giang

Hằng năm cứ vào đầu tháng 7 là mùa nước nổi, đàn cá linh lại di cư theo về. Chọn những con cá linh còn tươi, không lớn quá đem về cắt đầu, bỏ ruột, rửa sạch ướp đường, muối, tiêu… Cho vào máy cùng với lòng trắng trứng vịt, bột mì rồi xay nhuyễn, trải lá chuối ra, đổ hỗn hợp vào, gói và buộc chặt lại như buộc bánh tét. Quấn thêm bao nilon bên ngoài, đem hấp khoảng 1 đến 2 tiếng, để nguội dùng dao cắt từng lát mỏng đem phơi 4, 5 nắng là được. Bánh phồng cá linh được chiên trong dầu nóng lan tỏa ra mùi thơm nức lòng bởi vị ngọt, béo của cá linh xông lên tận mũi. Có thêm ly bia lạnh uống kèm khiến thực khách trầm trồ mãi không thôi.

Linh Trang (sưu tầm)