Tím lãng mạn bánh tét lá cẩm
Từ thưở khai khẩn vùng sông nước Cửu Long, người dân nơi đây đã biết gói bánh tét và mang theo ra đồng để ăn thay cơm trong những lúc cày cấy. Mặc dù lịch sử trải qua bao biến cố thăng trầm, thời cuộc đổi thay nhưng bánh tét vẫn được lưu truyền, không những tồn tại mà còn phát triển ra thành đặc sản độc đáo của vùng sông nước Mekong.
Bây giờ, bánh tét nơi đây mang đặc trưng vùng miền riêng như bánh tét Trà Cuôn, Trà Vinh thì xanh của màu lá rau ngót, bánh tét Cần Thơ tím màu của lá cẩm, bánh tét Phú Quốc thì gói bằng lá mật cật … Mỗi thứ đều có hương vị độc đáo nhưng riêng bánh tét lá cẩm Cần Thơ có vẻ nổi tiếng hơn là đã được Cục sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học-Công nghệ chứng nhận thương hiệu và được TP. Cần Thơ đưa vào danh mục ẩm thực đặc sản Cần Thơ để giới thiệu với du khách và đặc biệt là Martin Yan, người nổi tiếng với trên 3.000 chương trình dạy nấu ăn “Yan can cook” được phát trên sóng truyền hình nhiều nước, đã chọn bánh tét lá cẩm là một trong ba món ăn dân dã của Cần Thơ để giới thiệu trong chương trình thực tế “Taste of Vietnam” (Hương vị Việt Nam)…
Để có đòn bánh tét đến tay thực khách với hương vị đậm đà ngon miệng phải qua lắm công đoạn. Nào là cắt lá chuồi, chẻ lạt, nấu lá cẩm, ngâm nếp, nấu đậu, cắt thịt, luộc trứng muối, nạo dừa, nấu nước cốt, xào nếp, làm nhưn, gói bánh, cột bánh, nấu bánh, vớt bánh, treo bánh… Thực hiện hết các công đoạn cho đến khi bánh tét chín vớt ra là hết cả ngày. Bà Thanh, cho biết trước đây gói bánh tét đơn giản chỉ có nếp, nhưn đậu, mỡ nhưng khoảng mười năm nay khi nấu xôi hay nấu chè lá cẩm thấy có màu tím đẹp nên chuyển sang gói bánh tét lá cẩm, nhưn cũng được chế biến cầu kỳ hơn là đậu xanh, thịt, mỡ, trứng vịt muối… có khi thêm lạp xưởng, tôm khô (theo yêu cầu khách hàng). Con cháu nối nghiệp bánh tét hôm nay còn biết ứng dụng kỹ thuật để bảo quản bánh được lâu hơn. Trước đây, bánh tét thường bảo quản ba ngày, còn bây giờ, sau khi bánh chín được vớt ra để nguội ép hút chân không nên bảo quản được cả tuần. Theo bà Thanh muốn có bánh tét lá cẩm ngon thì trước hết phải chọn nếp – nếp ngon không lộn gạo, lá cẩm tươi (có nhiều loại lá cẩm nhưng phải chọn cho được lá cẩm màu tím sen mới cho màu tím tươi đẹp) nấu lấy nước ngâm nếp. Bánh ngon hay dỡ, hơn nhau là chỗ công đoạn xào nếp, phải canh cho vừa, nếu xào nhanh thì nếp bị khô ăn bánh cứng, xào lâu nếp mềm bánh nhão không ngon… Sau khi gói bánh xong, phải nấu bánh 4-5 giờ bánh mới chín. Bánh tét lá cẩm chín vớt ra khỏi nồi, treo lên cho ráo nước, rồi cắt bánh ra hương nếp, lá cẩm hòa quyện vào nhau thật thơm ngon, cùng với hương vị đậm đà béo thơm của nước cốt dừa, đậu xanh, thịt mỡ, mặn mặn bùi bùi của trứng vịt muối… khó có thể tả được. Có lẽ vì vậy, mỗi khi du khách đến Cần Thơ đều hỏi mua bánh tét lá cẩm để ăn và làm quà cho người thân.
Huỳnh Biển