BÁNH BÈO MIỀN TÂY
Nếu bánh bèo các tỉnh phía Bắc được làm từ nguyên liệu tôm, thịt, mộc nhĩ và gói trong 3 lần lá chuối với vị chủ đạo là béo của nước xương hầm, vị đậm đà của mắm, tỏi phi, chút ngọt của đường, vị chua của quất làm nước chấm và dậy mùi gia vị như hành phi, thì bánh bèo Huế lại nhỏ xíu như đồng xu, có nhân tôm chấy và từng miếng bánh trắng ngần được ăn với nước mắm mặn ngọt, với ớt xanh, thì bánh bèo miền Tây là bánh bèo ngọt, chan nước cốt dừa.
Người miền Tây phần lớn đều biết làm bánh trái, nhứt là mấy cô, coi như một chuẩn mực khéo léo về nữ công gia chánh để sau này làm dâu. Thực ra bánh bèo ngọt không quá khó làm. Chỉ cần có ít bột gạo xay mịn, dằn khô, cùng ít bột mình tinh để làm phần chính của bánh. Để có thêm màu xanh và mùi đặc trưng, nhiều người cắt lá dứa thơm rửa sạch, xắt nhuyễn rồi xay chung với bột gạo.
Trộn hai thứ bột ấy lại với nhau, cùng với nước và nước đường đã nấu sôi để ấm. Bột có độ đặc vừa phải, theo kinh nghiệm dân gian, người làm bánh chỉ cần lường bằng “mắt”. Cách nhắm chừng vậy mà ít khi nào sai, hơn cả việc cân, lường như cách làm thời hiện đại.
Sau đó, bắc nồi lên bếp, nấu cho nước trong nồi thật sôi. Đặt xửng vào, xếp những cái chén lên xửng, thoa một lớp dầu dừa lên chén, chờ chén thật nóng, múc bột chế vào khoảng non nửa chén. Đậy kín nắp lại, hơi nước sôi sẽ làm cho bánh chín, mùi lá dứa thơm bốc hơi ngào ngạt.
Đậu xanh đã cà đem đãi sạch vỏ rồi ngâm cho thật mềm. Bắc đậu lên bếp nấu cho thật mềm, nhừ, có cảm giác hơi nhão. Dùng vá tán nhuyễn rồi trộn thêm ít đường cho nhưn có vị ngọt đậm hay nhạt tùy theo sở thích gia đình, địa phương.
Nguyên liệu không thể thiếu là nước cốt dừa. Ngày nay nó có sẵn tại các siêu thị hay chợ nhỏ nhưng ở quê người ta vẫn dùng bàn nạo. Trái dừa khô chặt làm đôi, nạo kỹ và vắt lấy nước cốt, thêm ít muối, chút bột mì rồi bắc chảo nước cốt lên bếp thắng cho hơi sánh lại là được. Mè rang thơm và sẽ rắc lên bánh khi dọn ra.
Nguyễn Đình Bổn
(Trích bài Bánh bèo miền Tây – Tập sách Hương vị bánh miền Tây)