Đóng

ẨM THỰC MIỀN TÂY

22 Tháng Chín, 2017

Bánh củ cải

“Bạc Liêu là xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt, trên bờ triều châu”. Ở Sóc Trăng và Bạc Liêu có nhiều người gốc Hoa, đến vùng Sóc Trăng và Bạc Liêu từ thế kỷ 17, thời “phản Thanh phục Minh” rồi tồn tại và phát triển, đến hôm nay sống chung đụng với người Việt và người Khmer. Họ là nhóm tộc người đóng góp khá nhiều món ăn vào danh mục thực phẩm ở miền Tây như bánh pía, bánh quảy, bánh bò… Một số món bánh được sáng chế tại Việt Nam bắt nguồn từ nguồn nguyên liệu địa phương như bánh củ cải đã trở thành món ăn quen thuộc của những người dân nơi đây.

Bánh củ cải Bạc Liêu

Tại chợ Bạc Liêu có rất nhiều chỗ bán bánh củ cải. Bột gạo pha ít bột mì tinh khuấy đều, lượt hỗn hợp qua rây cho sạch tạp chất. Củ cải trắng bào sợi nhuyễn, tôm khô ngâm và băm nhỏ xào sơ với củ hành tím, lạp xưởng xắt hạt lựu xào sơ, đậu phộng, nước cốt dừa. Trộn tất cả nguyên liệu trên vào nhau, đổ vào khuôn hấp chín trên lửa lớn. Bánh chín cắt ra từng miếng nhỏ, bánh củ cải ăn kèm với rau thơm, diếp cá, húng lủi, húng cây, quế và ít xà lách. Pha nước mắm chanh, đường, tỏi ớt cho vừa ăn, chan nước mắm vào dĩa bánh. Mùi bánh thơm rất đậm đà và đặc trưng nhất là mùi hăng hăng của củ cải, ngon không lẫn vào đâu được.

Bánh củ cải Sóc Trăng

Người Hoa ở Sóc Trăng làm bánh củ cải có khác so với bánh củ cải của những nơi khác. Bánh làm từng cái tròn nhỏ, không đổ vào một khuôn  lớn. Nguyên  liệu  gồm bột gạo, bột năng trộn chung với củ cải trắng bào sợi nhuyễn, tạo bột thành hình tròn cỡ cái bánh khọt, vun cao đầy đặn, trên mặt bánh thấp thoáng vài hột đậu phộng còn nguyên vỏ lụa, điểm xuyến thêm những con tôm khô màu đỏ thẳm, xen lẫn vài cọng ngò rí xanh tươi như tô điểm cho cái bánh thêm phần xinh xắn. Bánh được hấp chín, chan nước mắm pha chua ngọt vào rồi thưởng thức, có thể để nguội rồi đem chiên bánh cho vàng, chan nước mắm vào, ăn cũng rất ngon, lạ miệng.

Linh Trang (sưu tầm)