Đóng

22 Tháng Hai, 2017

Muối Gành Hào – Hạt muối Gành Hào đã đi nghìn trùng

Ngày xưa, theo Quyển IV Phong tục chí trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, hạt muối Gành Hào – trước gọi là Ba Thắc theo người Khmer gọi tên đoạn sông Hậu chảy qua Sóc Trăng và đổ ra biển ở Bạc Liêu, muối đỏ ở đây đã nổi tiếng. Ông Đức ghi nhận: “Xứ Ba Thắc, trấn Vĩnh Thanh, sản xuất nhiều muối hồng, vì nước đất ở đây có màu vàng đỏ, khi phơi nước vẫn còn bùn đục, nên ra như thế, nhưng nấu lại lần nữa, lọc vớt những bọt đen nổi ở trên, thì sắc muối lại trong trắng, có vị ngon ngọt hơn muối các chỗ khác. Người Hoa chuyên nghề này, đan bao bằng lá dừa hình vuông, mỗi bao đựng 5, 6 cân theo tục man gọi cứ 40 bao làm một xe, rồi chở đi bán ở Cao Miên thu lợi rất nhiều.[…]” Bây giờ nguồn muối Bạc Liêu qua Campuchia cũng y như vậy. Người dân vùng này rút ra một quy luật, năm nào nước về nhiều trong mùa nước nổi, là dân trúng muối. Người ta cần muối để làm mắm cá linh. Năm ngoái và năm nay 2016, nước đã không về. Hiện nay, cả đồng bằng đang hạn hán. Muối có thể trúng mùa, nhưng nhu cầu lại xuống thấp.

Ngoài chứng thực ngày xưa của ông Trịnh Hoài Đức, là chứng thực gần đây – năm 2002 – của người Nhật qua công ty thực phẩm Asia Trading Corp. của nước này, qua khảo sát của các chuyên gia do họ gửi đến. Ông Takeyoshi Matsuda, chủ tịch công ty, nêu nhận xét: “So với nhiều nước, muối ăn Việt Nam rất ngon, nhưng ngon nhất vẫn là hạt muối Bạc Liêu”. Hạt muối Bạc Liêu đã có mặt trên các siêu thị Nhật, nhất là tại tỉnh Nagoya – nơi Asia Trading Corp. đặt hội sở chính. Những gói muối ăn mang nhãn hiệu Shakuenno Shio hay Joisei Shio 0,5kg được đóng bao bì đẹp mắt.

So với những vùng sản xuất muối khác, muối Bạc Liêu có tính chất, chất lượng đặc thù và dễ nhận biết. Bây giờ so với thời muối đỏ ông Đức ghi lại, muối có màu trắng, trắng hồng, ánh xám, không mùi, vị mặn, không vị đắng và hạt khô, chắc. Trong đó, muối không có vị đắng là một yếu tố tạo nên sự khác biệt của muối Bạc Liêu so với muối của các tỉnh khác. Muối Bạc Liêu có hàm lượng NaCl cao vượt trội, bình quân 96,3% so với tiêu chuẩn muối thô Việt Nam là 86,8%, cao hơn so với muối ở các tỉnh khác. Ruộng muối Bạc Liêu chủ yếu là đất bãi bồi và pha cát, trong đất chứa rất ít disulfua sắt (FeS2). Đất không có phèn tiềm tàng, hàm lượng các chất hữu cơ trong đất mặt sân muối thấp. Thêm vào đó, hàm lượng sét trong đất mặt sản xuất muối khá cao nên tránh được thất thoát nước biển, giúp tăng sản lượng muối.

Các loại muối trong nước còn được đất giá cao nhờ phương thức sản xuất tự nhiên. Phương thức này được Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ đánh giá cao: “Hãy từ bỏ thói quen sử dụng Muối ăn tinh khiết 99% mà hãy tìm ăn Muối Biển sạch tự nhiên được sản xuất theo công nghệ thủ công truyền thống!” Và Bạc Liêu còn có cách phơi nước biển theo công thức riêng truyền thống của người Hoa. Các tạp chất có trong nước biển qua các giai đoạn phơi “xa kề, nhì kề, xếp chuối” theo các gọi của người Hoa sẽ lắng tụ dần tại các ô bốc hơi và cho sản phẩm muối trắng hơn do ít lẫn tạp chất.